
NFT, viết tắt của Non-Fungible Token, là một token được xây dựng trên Blockchain. Mỗi một NFT đều được mã hóa khác nhau, do đó mỗi NFT có tính chất và giá trị khác nhau. NFT không chỉ được ứng dụng trong tranh ảnh như hiện nay, ứng dụng của NFT còn được mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác.
Trước khi sự ra đời của NFT, vấn đề bản quyền với các tài sản kỹ thuật số là một bài toán khó, chưa được giải quyết. Bên cạnh một số biện pháp giúp bảo vệ và hạn chế vấn đề này, song việc sao chép hoặc vi phạm bản quyền vẫn dễ dàng xảy ra. Với sự phát triển của NFT, vô số các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được tạo ra mà không cần lo lắng về vấn đề bản quyền.
Không những thế, NFT còn được dùng để chứng minh quyền sở hữu các tài sản như bất động sản hay vật phẩm trong game. Thị trường NFT ngày càng mở rộng và thu hút người tham gia, dẫn đến tính ứng dụng của NFT cũng được nâng cao.
Về cơ bản, NFT mang tính độc nhất, quý hiếm và không thể chia tách. Nhờ 3 tính chất này của NFT đã tạo nên giá trị của chúng và tiềm năng ứng dụng của NFT cũng trở nên đa dạng như một số lĩnh vực dưới đây:
NFT trong nghệ thuật

NFT trong nghệ thuật, hay được biết đến là NFT Arts, là một trong những ứng dụng của NFT phổ biến hiện nay. Trong thời đại kỹ thuật số, các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh trên mạng rất dễ dàng tìm thấy và tải xuống; từ đó, tác phẩm gốc không còn giá trị, các nghệ sĩ phải đối mặt với việc vi phạm bản quyền. Bằng cách xác minh tính xác thực và quyền sở hữu bằng kỹ thuật số, mặc dù ai cũng có thể tìm thấy và tải tác phẩm xuống, nhưng không ai có thể chứng minh được họ sở hữu bản gốc.
NFT giúp các nghệ sĩ “bảo vệ” được tác phẩm của mình, còn người sưu tầm có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. NFT còn cho phép các tác giả kiểm soát những tác phẩm kỹ thuật số của mình thông qua “hợp đồng thông minh”. Các dòng mã tự động của hợp đồng này cũng giúp tác giả nhận tiền bản quyền mỗi lần tác phẩm được bán cho chủ sở hữu mới.
Bên cạnh tác phẩm như tranh ảnh, ứng dụng của NFT còn xuất hiện trong âm nhạc. Không chỉ hình ảnh, bạn có thể đính kèm video và âm thanh vào NFT. Sự hợp tác giữa Binance và SM Entertainment hay YG Entertainment – hai công ty giải trí hàng đầu tại Hàn Quốc là một ví dụ cho việc thị trường và ứng dụng của NFT đang dần được lan rộng hơn với ngành giải trí. Đối với thị trường âm nhạc Âu Mỹ, các sản phẩm NFT từ các nghệ sĩ nổi tiếng cũng được đấu giá lên đến hàng nghìn USD.
NFT trong gaming
NFT cũng có thể được sử dụng để đại diện cho các nhân vật hay vật phẩm trong trò chơi, chẳng hạn như các con vật, mảnh đất kỹ thuật số,… và nó hoàn toàn thuộc quyền sở hữu người dùng thay vì nhà phát triển trò chơi. NFT cho phép các vật phẩm game này được giao dịch trên sàn giao dịch của bên thứ ba mà không cần sự cho phép của nhà phát triển.
Ứng dụng của NFT trong lĩnh vực game đang được xem là một trào lưu nhờ việc cá nhân hóa các vật phẩm và người chơi có thể đem chúng giao dịch trên các sàn như OpenSeas.
NFT trong thể thao
Trước thời điểm đại dịch xảy ra, điểm kết nối giữa các vận động viên và khán giả là sân vận động. Tuy nhiên, từ sau khi xuất hiện đại dịch, các sự kiện thể thao cũng như sự kết nối này đã bị hạn chế. Do đó, ứng dụng của NFT trong thể thao có thể là một giải pháp cho ngành thể thao. Theo thống kê từ Nonfungible, trong lĩnh vực NFT vào năm 2020 và 2021, thể thao chiếm tỷ trọng ổn định, đang tăng dần từ 3% lên 7%.
Ứng dụng của NFT trong thể thao được thể hiện dưới dạng token hóa các vật phẩm từ câu lạc bộ hay vận động viên, các hình ảnh hay đoạn video những khoảnh khắc nổi bật của các vận động viên. Ví dụ rõ nhất là dự án NBA Top Shots – tập hợp các video ngắn những khoảnh khắc nổi bật của các ngôi sao bóng rổ. Những khoảnh khắc này được “NBA ủy quyền và được xây dựng với số lượng có hạn trên blockchain”. Các giá trị của NFT này sẽ tỉ lệ thuận với độ nổi tiếng của vận động viên.
Bên cạnh đó, ứng dụng của NFT trong thể thao có thể dùng trong các trò chơi. Sorare, một công ty khởi nghiệp của Pháp được hỗ trợ bởi Quỹ Tầm nhìn của Tập đoàn SoftBank, vận hành một trò chơi bóng đá giả tưởng trong đó người dùng tạo các đội ảo bằng cách sử dụng NFT của những người chơi hiện có, họ có thể giao dịch với những người dùng khác.
NFT tài sản trong thế giới thực
Liên kết tài sản thực với NFT có thể chứng minh quyền sở hữu của mình là một trong những ứng dụng của NFT được trông đợi nhất ở tương lai. Ví dụ như trong lĩnh vực bất động sản. Điểm mạnh của bất động sản NFT là chúng được giao dịch thông qua một “hợp đồng thông minh”. Việc này giúp tự động hóa mọi quy trình chuyển nhượng để tiết kiệm chi phí quản lý và vận hành, giảm bớt sự tham gia của các bên trung gian hay những lỗi do sự bất cẩn của con người gây ra.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này chúng ta cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và quản lý. Và điều này vẫn còn khá xa, nhưng những ứng dụng của NFT này có thể là một trong những điểm đáng chú ý trong tương lai.
Kết luận
Với sự phát triển của công nghệ cũng như sự phổ biến của NFT, ta có thể thấy càng nhiều ứng dụng của NFT trở nên đa dạng hơn, nhiều ý tưởng và trường hợp sử dụng hơn trong tương lai. NFT là một cụm từ khá nổi tiếng hiện nay, nhưng một số dự án nhỏ hay ý tưởng vẫn còn chưa thực tế. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, NFT đã có thể giải quyết một số vấn đề về quyền sở hữu, tạo ra sự độc nhất và tiềm năng của NFT sẽ còn phát triển và phổ biến hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, để cập nhật thêm tin tức về Second World cũng như thảo luận về chủ đề Metaverse, NFT hay Blockchain các bạn có thể theo dõi fanpage và tham gia cộng đồng Second World tại Website | Facebook | Facebook Group | Telegram.